Khi được giới thiệu về các loại xe ô tô, chúng ta dễ dàng nhận thấy thông tin về chiều dài cơ sở luôn được nhấn mạnh và đề cập nhiều lần với tần suất dày đặc. Vậy bạn có bao giờ tự hỏi chiều dài cơ sở là gì? Chúng có ý nghĩa như nào với xe ô tô?
Nội dung chính
Chiều dài cơ sở là gì?
Đối với những người có tìm hiểu về xe ô tô thì đã không còn xa lạ gì với thuật ngữ chiều dài cơ sở nữa. Đối với xe thường có 2 trục và 4 bánh, chiều dài cơ sở xe ô tô là khoảng cách giữa tâm bánh xe trục phía trước đến tâm bánh xe trục phía sau.
Chiều dài cơ sở của xe ô tô
Đối với xe tải, chiều dài cơ sở lại được tính từ giữa trục lái trước đến điểm giữa của trục sau. Đặc biệt, đối với trường hợp xe tải có nhiều hơn 2 trục bánh xe thì chiều dài cơ sở sẽ được tính dựa trên khoảng cách giữa trục lái và điểm giữa của hai trục sau.
Bên cạnh đó, chiều rộng cơ sở của ô tô được xác định là khoảng cách giữa tâm của 2 vệt bánh xe trên cùng một trục bánh.
Ý nghĩa chiều dài cơ sở xe ô tô
Chiều dài cơ sở không đơn thuần chỉ là chiều dài của xe mà chúng còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với khả năng vận hành, kiểu dáng xe cũng như như độ rộng rãi của khoang hành khách. Do đó, khi lựa chọn xe, quý vị cần lưu tâm tới chiều dài cơ sở.
Chiều dài cơ sở quyết định tới độ rộng, hẹp của khoang hành khách
Theo như thông tin ở trên, chiều dài cơ sở tính từ tâm trục bánh trước đến tâm trục bánh sau. Do đó, khi chiều dài cơ sở càng lớn thì khung gầm xe sẽ càng dài kéo theo khoang hành khách sẽ càng rộng rãi.
Chiều dài cơ sở lớn làm khoang hành khách lớn
Do đó, khi lựa chọn xe nếu như muốn có một chiếc xe có không gian rộng rãi, cùng phân khúc, cùng tầm tiền thì nên lựa chọn những model có chiều dài cơ sở lớn.
Tuy nhiên, việc đường cơ sở lớn khiến xe rộng rãi cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đôi chút tới khả năng vận hành ổn định của xe. Ngoài ra chúng còn mất đi độ cân đối trong thiết kế ngoại thất của xe.
Chiều dài cơ sở có ảnh hưởng tới khả năng vận hành xe
Ngoài việc quyết định tới độ rộng, hẹp của khoang hành khách thì chiều dài cơ sở này còn ảnh hưởng trực tiếp tới độ ổn định động học của xe cũng như độ lớn bán kính vòng quay. Tùy vào những điều kiện khác nhau mà chiều dài cơ sở sẽ được nhà sản xuất thiết kế sao cho phù hợp nhất.
- Điều kiện địa hình: Tùy vào địa hình di chuyển mà chiều dài cơ sở sẽ có sự sai khác giữa các xe. Tại những khu vực gồ ghề, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn chúng ta không thể sử dụng những chiếc xe thường di chuyển trong phố để đi được. Do đó những chiếc xe địa hình chuyên dụng được ra đời. Dòng xe này có đường cơ sở ngắn để giảm khoảng cách giữa trọng tâm xe tới vị trí các trục. Điều đó làm tăng tính linh hoạt nhờ có các góc giới hạn lật dọc, lật ngang lớn. Ngoài ra, chiều dài cơ sở ngắn kết hợp với gầm xe cao cho khả năng vượt đỉnh, dốc tốt do đó chúng ta có thể vượt mọi địa hình. Những model tiêu biểu như Ford Ranger Raptor, Range Rover,…
>> Tham khảo thêm: Kinh Nghiệm Phượt Xuyên Việt Bằng Xe Máy
Đối với những địa hình bằng phẳng, đẹp thì những dòng xe như Van, Hatchback, Station Wagon,… với khoang hành khách rộng rãi do chiều dài cơ sở lớn là lựa chọn hoàn hảo.
Xe địa hình có đường cơ sở ngắn, gầm cao
- Điều kiện tốc độ xe: Chúng ta thường dễ nhìn thấy những chiếc xe đua tại các giải đua xe công thức 1 thường có trọng tâm xe cũng như gầm xe thấp hơn rất nhiều gần như là “sát” với mặt đất để giảm thiểu mức cản gió xuống thấp nhất nhằm đặt được vận tốc tối đa. Do đó, những chiếc xe này đã được kéo dài đường cơ sở để có thể hạ gầm xe xuống nhằm kéo dài khoảng cách giữa các trục bánh xe tới trọng tâm xe.
Siêu xe Lamborghini Aventador Roadster có vận tốc lên tới trên 350km/h nên có đường cơ sở dài, gầm thấp
Đến đây hẳn quý vị đã biết chiều dài cơ sở của xe ô tô là gì. Chính vì vậy, khi tiến hành mua xe, chúng ta không nên bỏ qua yếu tố quan trọng này.