Khái niệm điệp ngữ là gì? Tác dụng của điệp ngữ là gì? Lấy ví dụ điệp ngữ để soạn bài điệp ngữ lớp 7 dễ dàng hơn nào các bạn học sinh. Đây là nội dung kiến thức mà nhiều bạn muốn tìm hiểu. Trong bài viết này, hãy cùng nhau tìm hiểu về phép tu từ điệp ngữ để hiểu sâu, hiểu đúng và áp dụng vào phân tích các tác phẩm văn học sao cho chính xác nhất nhé!
Nội dung chính
Điệp ngữ là gì?
Khái niệm điệp ngữ (hay còn gọi là điệp từ) là một biện pháp tu từ văn học sử dụng cách lặp đi, lặp lại một từ hoặc một cụm từ, một ngữ với tác dụng nhấn mạnh, khẳng định, liệt kê,… để làm nổi bật vấn đề khi muốn nói đến.
Tác dụng của điệp ngữ
Tác dụng nhấn mạnh
Điệp ngữ được sử dụng câu thơ, văn với tác dụng nhấn mạnh vào một sự vật, sự việc nào đó hoặc lặp lại có chủ đích một từ, cụm từ nhằm nhấn mạnh tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của nhân vật được nhắc tới trong câu.
* Ví dụ điệp ngữ:
“Không có kính ko phải là xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)
=> Trong khổ thơ này, cụm từ “không có kính” lặp lại 2 lần trong cùng một câu thơ thứ nhất có tác dụng nhấn mạnh vào sự thiếu thốn phương tiện di chuyển, đó là chiếc ô tô.
Câu thơ cuối từ “nhìn” lặp 3 lần trong một câu thơ nhằm nhấn mạnh hành động chủ thể được nhắc tới là người lính lái xe.
Với việc sử dụng phép điệp từ trong hai câu thơ đầu và cuối tạo cho bài thơ sự liền mạch, mở đầu và kết thúc cho khổ thơ. Nếu phép điệp thứ nhất “không có kính” khắc họa cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt thiếu thốn đủ bề thì phép điệp thứ hai hành động “nhìn” lại cho người đọc thấy được tinh thần lạc quan, yêu đời như không có chuyện gì, rất thờ ơ với sự thiếu thốn của người lính.
Tác dụng liệt kê
Điệp ngữ còn có tác dụng liệt kê sự vật, sự việc được nói đến trong câu với mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa, tính chất của sự vật, sự việc.
* Ví dụ điệp ngữ:
“Sông Kỳ Lộ vừa hẹp, vừa sâu,
Nước Kỳ Lộ vừa trong, vừa mát.
Thuyền anh chèo ngược dòng sông,
Gặp em cho thỏa nỗi lòng nhớ thương.”
=> Phép liệt kê: vừa sâu, vừa đẹp, vừa mát, vừa trong có tác dụng miêu tả vẻ đẹp hùng vị, ấn tượng của con sông Kỳ Lộ
Tác dụng khẳng định
Các từ ngữ được lặp lại trong câu văn, câu thơ có tác dụng khẳng định điều tất yếu, niềm tin của tác giả vào sự việc sẽ xảy ra.
* Ví dụ điệp ngữ:
” Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông”
( Đỗ Trung Quân )
=> Điệp ngữ “quê hương là” xuất hiện ở đầu mỗi câu thơ với dụng ý nhấn mạnh giá trị của quê hương đối với mỗi con người, nhắc nhớ mỗi người dù đi đâu, làm gì cũng không được quên quê hương, nguồn cội, nơi mình sinh ra…
Các loại điệp ngữ
Điệp ngữ có các dạng: điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ vòng (điệp ngữ chuyển tiếp). Sự khác biệt giữa 3 hình thức điệp ngữ cụ thể như sau:
Điệp ngữ cách quãng
Là hình thức lặp lại một từ hay cụm từ, mà xét về vị trí, các từ, cụm từ này cách quãng với nhau, không có sự liên tiếp. Nhằm tạo ấn tượng nổi bật và tính nhạc
* Ví dụ 1
“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ
“Cục…cục ta cục tác”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ”
=> Điệp ngữ “Nghe” nhấn mạnh cảm giác xốn xang, xao xuyến, khơi gợi kỷ niệm của người lính khi hành quân xa tình cờ nghe được tiếng gà trưa.
* Ví dụ 2
“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì tình yêu tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.”
(Tiếng gà trưa – Xuân Quỳnh)
=> Điệp từ “Vì” nhấn mạnh mục đích chiến đấu cao cả của người chiến sĩ
=> Các điệp từ “nghe”, “vì” đều là điệp ngữ cách quãng.
Điệp ngữ nối tiếp
Đây là việc lặp đi lặp lại một từ, cụm từ về hình thức có sự nối tiếp nhau. Tạo ấn tượng, mang tính tăng tiến
* Ví dụ:
“Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Giây phút thiêng liêng Anh gọi Bác 3 lần.”
(Hãy nhớ lấy lời tôi – Tố Hữu)
=> Trong đoạn thơ trên, cụm “Hồ Chí Minh muôn năm” là điệp ngữ nối tiếp.
Điệp từ chuyển tiếp (điệp từ vòng)
Là phép điệp ngữ mà từ ngữ dùng để điệp nằm cuối câu trên chuyển xuống đầu câu dưới kế tiếp nó, làm cho câu văn, câu thơ liền mạch để khắc sâu ấn tượng
* Ví dụ điệp ngữ:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.”
(Chinh phụ ngâm khúc – Đoàn Thị Điểm)
=>Trong ví dụ trên, từ “thấy” và từ “ngàn dâu” là điệp ngữ chuyển tiếp.
Phân biệt phép điệp ngữ với hiện tượng lặp từ
Ví dụ 1: Nhà em có một cái tivi, có một cái tủ lạnh. Nhà em có một cái điều hòa, có một cái giường. Nhà em có bố, có mẹ, có anh, có em. Nhà em có rất nhiều thứ
Ví dụ 2: Con bò đang gặm cỏ. Con bò bỗng ngẩng đầu lên. Con bò tự nhiên rống ò ò…Đó là con bò của nhà em.
=> Đây không phải là điệp từ mà là lỗi lặp từ, nguyên nhân là vì thiếu vốn từ.
Bài tập ví dụ minh họa
Phía sau nhà tớ có một mảnh vườn. Mảnh vườn ở phía sau nhà tớ, tớ trồng rất nhiều hoa. Tớ trồng hoa thược dược. Tớ trồng hoa đồng tiền. Tớ trồng hoa hồng. Tớ trồng cả hoa lay ơn nữa. Ngày Quốc tế Phụ nữ, tớ hái hoa sau vườn nhà em tặng mẹ tớ. Tớ hái hoa tặng chị mình.
Việc lặp lại một số từ ngữ không có dụng ý biểu cảm, làm đoạn văn trở nên nặng nề, gây khó chịu cho người đọc => Lỗi lặp từ
Sửa lại:
Phía sau nhà tớ có một mảnh vườn. Tớ trồng rất nhiều loài hoa: hoa cúc, hoa thược dược, hoa đồng tiền, cả hoa lay ơn nữa. Ngày Quốc tế Phụ nữ, tớ hái hoa tặng mẹ và chị của mình.
Lưu ý cách sử dụng điệp ngữ
- Biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng nhiều trong văn chương với mục đích tăng sự nổi bật cho hình tượng văn học. Tuy nhiên, đây cũng là biện pháp tu từ khó sử dụng, đòi hỏi sự hiểu biết và khéo léo trong việc sắp xếp và lựa chọn từ ngữ, hình ảnh, cấu trúc ngữ pháp
- Không ít trường hợp vì muốn tạo sự ấn tượng trong bài viết mà lạm dụng biện pháp tu từ điệp ngữ nhưng mắc lỗi diễn đạt, lủng củng, lặp từ ngữ pháp khiến bài viết trở nên lủng củng, thiếu logic, rườm rà, gây cảm giác nặng về và khó chịu cho người đọc.
- Gợi ý cho cách viết hay cho các bạn, hãy kết hợp nhiều biện pháp tu từ với nhau như: phép điệp và phép đối, so sánh, hoán dụ với ẩn dụ,…và xác định được nội dung, hình ảnh chính cần làm nổi bật thì bài văn của bạn sẽ mềm mại, câu từ uyển chuyển hơn rất nhiều đó.
>>> Bài viết tham khảo: Công dung ngôn hạnh là gì? công dung ngôn hạnh xưa và nay
Những bạn nào chưa hiểu điệp ngữ là gì có thể tham khảo những thông tin trong bài viết để hiểu rõ hơn nhé! Chúc các bạn có những giờ học văn vui vẻ và hiệu quả.