Đức năng thắng số nghĩa là gì? Có đúng không? Câu chuyện liên quan

0
Tìm hiểu đức năng thắng số là gì?
Đức năng thắng số nghĩa là gì? Có đúng không? Câu chuyện liên quan
5 (100%) 1 vote

Đức năng thắng số” là câu nói của ông cha ta, dùng để khuyên bảo con cháu đời sau hãy làm việc thiện, tránh việc ác để cải thiện số mệnh của mình. Vậy đức năng thắng số nghĩa là gì, nó có đúng không? Có những câu chuyện thực tế nào liên quan? Cùng thegioimay.org tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây, bạn nhé!

Đức năng thắng số là gì? Ý nghĩa đằng sau?

Tìm hiểu đức năng thắng số là gì?

Để hiểu được ý nghĩa của đức năng thắng số thì chúng ta cần biết nghĩa của từng từ trong đó. “Đức năng” ở đây chỉ sự đức độ, tình yêu thương giữa con người với nhau. Còn “số” là số mệnh, vận mệnh đã được Trời xanh an bài. 

Như vậy, đức năng thắng số nghĩa là: Nếu như bạn sống ngay thẳng, đức độ, hay làm việc thiện lành thì chắc chắn sẽ điều khiển được số phận, làm vận mệnh của mình trở nên tốt đẹp hơn. Thậm chí, nó có thể xóa đi những cái xấu, vận hạn tai ương.

Thật vậy, trong cả Phật giáo hay tử vi huyền học của phương Đông thì phúc đức đóng vai trò rất quan trọng. Nó có khả năng thay đổi cả một vận mệnh đã được sắp xếp từ trước. 

Cụ thể, trong Phật giáo, việc sống đức độ, thường xuyên làm việc thiện được đề cao hàng đầu. Còn trong tử vi, cung vị phúc đức là một trong số những cung quan trọng nhất của một lá số tử vi, bên cạnh cung mệnh và cung thân. Họ cho rằng, cung Phúc thể hiện cả tinh thần, âm phúc tổ tiên, phúc phận vận mệnh của đương số. Nếu cung mệnh tốt mà cung phúc xấu thì chủ lá số vẫn phải chịu vất vả, có nỗi khổ từ tâm.

“Đức năng thắng số” có đúng không? Lý giải

Liệu đức năng thắng số có đúng không?

Người xưa có câu: “Nhất ẩm, nhất trác, giai do tiền định”, tức là: Ăn uống hay mọi hành vi đều đã được định sẵn từ trước. Hay “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, có nghĩa là: Người tính không bằng trời tính. Cả hai câu này đều thể hiện ý nghĩa rằng: Số phận của con người vốn đã được an bài sẵn rồi, cho dù có làm gì đi nữa thì cũng không thể cải mệnh, chúng ta nên chấp nhận điều đó.

Người xưa cũng có câu: “Đức năng thắng số” hay “Nhân lực thắng thiên”, tức là khả năng của con người có thể cải nghịch số mệnh do Trời đặt ra. Câu nói này lại đề cao ý chí, nỗ lực cải vận của một người.

Vậy rốt cuộc là quan điểm nào mới đúng? Lý giải ra sao?

Ở cả hai quan điểm trên, người xưa đều cho rằng: Sở dĩ có kẻ sướng, kẻ khổ, kẻ an nhàn, kẻ vất vả là do ông Trời an bài, ông Trời có quyền thưởng phạt muôn loài. Nhưng thực ra, không phải vậy, chính luật nhân – quả (Nghiệp của con người) mới là nhân tố quyết định tất cả.

Trải qua mỗi kiếp sống, con người đã thu hoạch thêm biết bao nhiêu “nhân” từ việc làm của họ hàng ngày. Từ đó, nghiệp dần được hình thành. Có “nhân” thì ắt có “quả” nhưng “quả” đến bao giờ thì không ai đoán trước được, nó tùy thuộc vào từng hành vi mà con người từng làm. Nếu quả đến sớm thì có thể là ngay lập tức hoặc sau đó vài ngày, vài tháng, vài năm (Ứng luôn trong kiếp hiện tại).

Đôi khi, quả đến muộn, người làm việc ác kể cả khi đã mãn số, cận kề cái c.h.ế.t nhưng vẫn chưa nhận được quả. Vậy là món nợ đó sẽ được tiếp tục tính cho kiếp sau. Đây là lý do vì sao, một số người vừa sinh ra đã khổ (Bị bệnh tật, nghèo khó bủa vây: Chính là để trả nợ cho kiếp trước), đồng thời họ lại tiếp tục sống để tạo ra “nhân” mới.

Nếu “nhân” mới được tạo ra là nhân tốt, do họ ăn ở hiền lành, giúp người, giúp đời, hạn chế tham, sân, si thì chắc chắn sẽ tạo ra được một “quả” tốt. Quả này có thể ứng ngay trong kiếp đó, giúp cho đương số “gặp dữ hóa lành”, cuộc đời an yên, ấm no, hạnh phúc. Đây chẳng phải là minh chứng rõ nhất cho câu nói “Đức năng thắng số” hay sao?

Như vậy, câu nói “Đức năng thắng số phận” của ông cha ta là có căn cứ từ quy luật nhân quả. Nếu chúng ta liên tục gieo nhân tốt thì chắc chắn vào một ngày nào đó, không những “trả xong” nghiệp đã gây ra từ kiếp trước mà còn nhận được quả ngọt. Và câu chuyện “Nghịch thiên cải mệnh” hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Vì vậy, ngay lúc này, bạn hãy tin tưởng vào chính mình, thường xuyên làm những việc tốt, giúp đỡ người khác, không làm việc trái với lương tâm thì bạn sẽ thắng được số mệnh. Đừng vì thấy số mệnh xấu mà có tâm lý mặc kệ đời, ngồi yên cho “nước chảy hoa trôi” mà không làm gì cả.

Điều cần lưu ý khi áp dụng “Đức năng thắng số”

Hình ảnh: Thầy tướng số đang xem vận hạn cho mọi người
Hình ảnh: Thầy tướng số đang xem vận hạn cho mọi người
  • Dù là hành vi, lời nói cố tình hay vô tình thì đều hình thành nên nghiệp và trước sau gì chúng ta cũng đều phải trả cái nghiệp đó.
  • Có những người sắp nhận nghiệp dữ nhưng tới giờ phút chót thì nghiệp bị giảm nhẹ hoặc xóa bỏ nên nghiệp không phát tác nữa. Điều này xảy ra là bởi trước đó người nhận nghiệp đã có hành vi đức độ, tích được “nhân” tốt.
  • Có những người kiếp trước làm việc thiện nên kiếp này được đầu thai vào gia đình khá giả, êm ấm, mọi chuyện đều hanh thông. Nhưng sau một thời gian sống ở kiếp này, vì họ làm nên chuyện bất lương, tham ô nên cuối cùng phải chịu “quả”: Tay trắng, tù tội, bị coi khinh, rẻ rúng,…

Như vậy, có thể rút ra một vài điều về “Đức năng thắng số” rằng:

  • Nếu bạn đang có cuộc sống khó khăn thì hãy gắng sống tốt, làm nhiều việc thiện lành, giúp đỡ người khác, chăm chỉ tụng kinh niệm Phật để tích đức, chiến thắng số phận.
  • Nếu bạn đã có cuộc sống vui vẻ, an yên, hạnh phúc rồi thì vẫn phải tiếp tục duy trì cái đức mình đang có, không nên làm điều xấu hay tự cao, tự đại. Cuộc đời vốn là một chuỗi nhân – quả – nhân – quả… liên tiếp nên “nhân” mới tạo ra sẽ ảnh hưởng đến “nhân cũ”, “quả cũ”.

Có thể bạn quan tâm:

Những câu chuyện thú vị về “đức năng thắng số”

Dưới đây là một vài câu chuyện “Đức năng thắng số” được lưu truyền khá rộng rãi. Hy vọng nó có thể truyền động lực cho bạn:

Câu chuyện 1: Tâm sinh tướng. Hành động quyết định vận mệnh

Bùi Độ là tên bán dầu có tướng mạo không tốt
Bùi Độ là tên bán dầu có tướng mạo không tốt

Câu chuyện này xoay quanh một người làm nghề bán dầu có tên là Bùi Độ (Ở thời nhà Hán – Trung Quốc). Bùi Độ từng đi xem tướng và được thầy tướng số nói rằng: Anh ta có cuộc sống nghèo khổ, sau này sẽ c.h.ế.t đói vì có hai đường chỉ chạy xéo từ cằm lên mép miệng. 

Vào một ngày nọ, Bùi Độ gặp một người thiếu nữ đang ngồi khóc bên giếng sâu. Anh dò hỏi cô gái thì biết chuyện: Cô nương này mua vàng để chuộc tội oan cho cha nhưng vì sơ ý nên làm rơi vàng xuống giếng. Nghe mọi người đồn ở dưới giếng có một con trăn rất to nên cô không dám xuống. Vì tuyệt vọng, cô đang có ý định quyên sinh.

Bùi Độ thầm nghĩ: Đằng nào mình cũng sắp c.h.ế.t đói nên liều mạng nhảy xuống giếng lấy vàng cho cô gái. May mắn là ở dưới giếng không có con trăn nào cả, Bùi Độ cũng nhanh chóng lấy vàng mang lên. Từ đó gia đình cô gái chuộc được án oan, phục hồi chức tước.

Sau này, Bùi Độ gặp lại thầy tướng số năm nào. Ông ta rất kinh ngạc nói rằng: Bùi Độ không còn mang tướng của kẻ c.h.ế.t đói nữa mà mang tướng của bậc công khanh rạng rỡ. Thật vậy, sau một thời gian, cô gái tên là Ngọc Hà trước kia đã từng định nhảy xuống giếng quyên sinh, nay đã trở lại và muốn báo ơn cho Bùi Độ.

Cô gái ấy mời Bùi Độ về nhà để dạy học và giao ước phu thê với chàng. Cô quyết định “nâng khăn sửa túi” cho người mà từng cứu cô. Cha của Ngọc Hà cũng đồng ý và gửi Bùi Độ tới nhà một người bạn để giúp anh ta thành tài.

Thời gian qua đi, Bùi Độ đã tiến bộ nhanh chóng và dần bước vào con đường làm quan. Tuy nhiên tính xấu của anh ta bắt đầu xuất hiện.Trong lúc xa cách Ngọc Hà, Bùi Độ đã phải lòng nhiều “bóng hồng” khác và giở trò lăng nhăng. Vào một ngày khác, khi đã có công danh ổn định, anh ta quyết định tới nhà thầy tướng số để cảm ơn. 

Khi gặp lại Bùi Độ, thầy tướng số lại nói rằng: Anh ta lại xuất hiện tướng c.h.ế.t đói ven đường. Nghe xong, Bùi Độ rất tức giận và bỏ đi. Kể từ ngày lên làm quan lớn, anh ta chìm đắm vào sắc dục, làm ra nhiều trò bỉ ổi với phụ nữ. Khi hắn bị triều đình triệu vào kinh trị tội thì đã quá sợ hãi mà bỏ trốn vào rừng và c.h.ế.t đói bên cạnh tảng đá.

Kết luận: Vậy là cái phước của Bùi Độ xuất hiện khi anh ta quyết tâm liều mạng để xuống giếng lấy vàng, cứu mạng cô gái Ngọc Hà. Phước đó lớn tới mức giúp Bùi Độ chuyển đổi tướng mạo và số phận, trở thành người vinh hiển.

Thế nhưng, hắn ta có mà không biết giữ, dần bộc lộ nhân cách xấu xa nên những nghiệp mà hắn tạo nên đã phá vỡ hoàn toàn phước đức tạo được trước đó. Vì vậy, Bùi Độ lại quay trở lại với kiếp số “c.h.ế.t đói ngoài đường”.

Câu chuyện 2: Vận mạng có thể thay đổi được

Hành thiện sẽ giúp con người thay đổi được vận mạng, “đức năng thắng số”
Hành thiện sẽ giúp con người thay đổi được vận mạng, “đức năng thắng số”

Thời xưa, có một nhà tướng số nổi danh thiên hạ tên là Viên Liễu Trang. Chỉ cần xem qua chỉ tay hay cái mũi của một người thì ông có thể đoán đúng số phận của người đó. Một ngày nọ, có một vị quan đại thần dẫn con của mình đến nhờ ông xem tướng. Viên Liễu Trang nói với đại thần rằng: Đứa bé này có số yểu mệnh, e là không sống được lâu nữa.

Nghe nói vậy, vị quan vừa hoang mang, vừa đau khổ. Trên đường dắt con về nhà, ông gặp một vị sư. Vị sư tới gần rồi hỏi: “Vì sao mặt mày ông lại ủ rũ, buồn bã đến thế? Gặp chuyện gì sao?”. Quan đại thần mới kể cho nhà sư nghe hết mọi chuyện. 

Nhà sư ghé gần mặt đứa bé để quan sát tướng số rồi nói: Chỉ có phước đức mới cứu được mạng sống của cháu mà thôi. Nhưng cơ duyên để tạo nên phước đức không phải là dễ. Nếu ngài muốn có phước đức thì cách tốt nhất là nên phóng sinh. Tạo hành động thiện cùng với không sát sinh mới có thể bảo vệ con ông trước sự yểu tử.

Nghe lời vị sư, quan đại thần liền phát nguyện không bao giờ sát sinh nữa mà chỉ phóng sinh thôi. Ông thực hiện được như vậy trong vòng vài năm. Khi ông gặp lại nhà sư trước đây, sư nói: “Vẫn chưa đủ, cần phải tích đức thêm. Ông cần cố gắng tạo thêm nhiều thiện nghiệp nữa thì mới có thể giúp được con ông”.

Viên quan đại thần lại tiếp tục kiên trì, bền bỉ trên con đường làm việc thiện của mình. Hễ gặp ai khó khăn, hoạn nạn thì cho dù ông có phải bỏ tiền hay bỏ thời gian ra, ông vẫn quyết giúp người ta cho bằng được. Cứ như vậy, số sinh linh được ông cứu giúp đã tăng lên vô vàn. Và đứa con bị bệnh tật của ông cũng dần khỏe lại, trở thành một thanh niên tráng kiện.

Sau này nhà tướng số Viên Liễu Trang nghe được câu chuyện, ông cảm thấy hơi có lỗi vì lời nói của mình. Thế là kể từ đó, mỗi khi xem tướng cho ai mà có kết quả không tốt, ông thường khuyên nhủ người ta làm việc thiện để cải thiện vận số. “Đức năng thắng số” quả thực là có thật. Nhờ làm điều thiện mà nhiều kẻ ốm yếu, bệnh tật dần khỏe lại, những người nghèo khổ trở nên giàu có hơn.

Câu chuyện 3: Tướng xấu biến thành tướng tốt nếu làm việc thiện

Tào Bân đã chuyển tướng xấu thành tốt nhờ làm việc thiện
Tào Bân đã chuyển tướng xấu thành tốt nhờ làm việc thiện

Câu chuyện kể về một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc, đó là Tào Bân. Ông là vị khai quốc công thần của triều nhà Tống, từ thời vua Tống Thái Tổ. 

Vào một ngày nọ, Tào Bân tới gặp Trần Hi Di – Một người có học vấn uyên thâm, rất giỏi xem tướng số. Hi Di nhận xét rằng: Tào Bân tuy có ấn đường rộng, hai mắt sáng (Biểu hiện của sự giàu có) nhưng lại sở hữu tướng xấu là quai hàm cao, miệng trễ nên tuổi già không được hưởng phúc. 

Vì vậy, Hi Di đưa ra lời khuyên cho Tào Bân rằng: Khi chinh chiến, ông hãy cư xử khoan hồng, gieo trồng phúc đức cho lúc tuổi già. Tào Bân nghe vậy liền ghi nhớ và cảm tạ Trần Hi Di.

Trong một lần xuất trận, Tào Bân chiếm được thành. Phó tướng của ông là Toại Ninh ra chủ trương là nên giết sạch nhân dân trong thành để thị uy. May mắn thay là Tào Bân đã biết được tin này, ông ra lệnh cấm giết chóc người trong thành, không được xâm hại phụ nữ, cướp bóc tài sản của dân. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông còn cung cấp lương thực cho những người xa quê muốn hồi hương. Vì thế mà ai ai cũng cảm tạ tấm lòng của ông.

Sau đó, không lâu, Tào Bân nhận được lệnh phải chinh chiến Giang Nam. Vì không muốn nhìn thấy con dân đói khổ, lầm than vì chiến tranh nên ông đã cáo bệnh, không đi. 

Trước khi xuất chinh, các tướng lĩnh dưới trướng tới hỏi thăm tình hình sức khỏe, ông đã khuyên rằng: Bệnh của ta không có thuốc gì chữa khỏi được, chỉ mong huynh đệ lần này đi tiến công Giang Nam đừng làm hại tới dân lành. Như thế thì bệnh của ta ắt sẽ thuyên giảm thôi.

Vì hết sức kính trọng vị tướng Tào Bân nên ai nấy trong quân đều nghe theo lời của ông. Nhờ đó mà hàng vạn sinh mạng nhân dân ở Giang Nam được cứu thoát khỏi sự lạm sát. Tấm lòng của Tào Bân cũng từ đó mà vang xa. Từ đó, người dân cảm kích triều đình nên còn mang lương thực tới tặng, sự phản kháng của phản quân là rất yếu ớt. Do đó, trận chiến Giang Nam không phải tốn hao nhiều binh lực, tiền của, bảo vệ được mạng sống cho rất nhiều người.

Sau đó, Tào Bân có dịp được gặp lại Trần Hi Di. Lúc này Trần Hi Di khá kinh ngạc mà nói rằng: Lạ thật! Năm ngoái tôi xem cho ông thấy hàm cao, miệng trễ, đoán là không có phước khi về già. Nhưng nay nhìn lại, thấy ông miệng mép đầy đặn, còn có ánh kim quang, nhìn thấy rõ râu và tóc. Chắc chắn sau này ông sẽ sống lâu, hưởng nhiều phước lộc.

Tào Bân ngạc nhiên hỏi lại: “Tại sao lại là kim quang?”. Trần Hi Di đáp: Đây là nét tướng biểu hiện của người có phúc đức, nếu người có âm đức thì mặt mũi phát ra ánh sáng màu vàng, cả khuôn mặt đều có khi sắc tốt. Người như vậy sẽ hưởng thọ, sống lâu, con cháu đời sau cũng được vinh hiển.

Đúng như lời Hi Di nói, quả thực Tào Bân đã có “đức năng thắng số”. Ông sống thọ tới 69 tuổi (Đây là số tuổi mà vào thời Tống khá hiếm người đạt được). Ông có 7 người con trai, ai cũng đều làm chức quan lớn, giữ vị trí quan trọng trong triều đình. Đặc biệt, cháu gái của Tào Bân được gả cho vua Tống Nhân Tông, trở thành Từ Thánh Quang Hiến Hoàng Hậu. Khi mất, ông còn được truy phong làm Hàn Vương.

Lời kết

Vừa rồi, bạn đã cùng với thegioimay.org tìm hiểu: Đức năng thắng số là gì? Nó có đúng không và những câu chuyện liên quan tới đức năng thắng số. Như vậy, có thể thấy, theo luật nhân quả, nếu chúng ta năng làm việc thiện, tu tâm dưỡng tính thì việc cải thiện số mệnh là hoàn toàn có thể thực hiện được. Nếu bạn muốn xem thêm các bài viết mới khác thì hãy nhớ theo dõi website thường xuyên nhé!